• Hoa cúc

    Chuyên cung cấp các loại hoa ...

  • Chuyên cung cấp Trà Sâm báo

    Các loại cây giống ...

  • Dưa lưới Nam Giao

  • Dưa chuột Maya

  • Dưa vàng Nam Giao

Đi dọc ven sông Mã, cách thành phố Thanh Hóa khoảng hơn 40km, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với 8 khu di tích lịch sử, trong đó có 03 khu di tích cấp quốc gia và 5 khu di tích lịch sử cấp tỉnh; các điểm di tích đều là điểm tâm linh, nổi bật là di tích lịch sử Quốc Gia Phủ Trịnh, nơi thờ các vị chúa Trịnh đang được trùng tu, tôn tạo, mở rộng khu di tích thành điểm du lịch tâm linh cho du khách gần xa và con cháu dòng họ Trịnh trên mọi miền; di tích lịch sử Chùa Báo Ân có địa hình phía trên là núi Báo, phía dưới là dòng sông Mã chạy qua tạo nên phong cảnh rất nên thơ. Xã Vĩnh Hùng có diện tích tự nhiên 1.981,94 ha trong đó có 1.300 ha là diện tích đồi núi; Cây Sâm Báo là cây mọc tự nhiên trên núi Hồng Lĩnh (núi Báo), chất đất và khí hậu ở đây phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây Sâm Báo từ thời xa xưa. Theo lời của cố Nghệ Nhân Trịnh Thế Trung, thôn xóm Bình, xã Vĩnh Hùng kể lại: Trong cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh, diễn ra ở Núi Báo từ năm 1886 đến năm 1892 , do Tống Duy Tân lãnh đạo để chống lại Thực dân Pháp, đội quân Hùng Lĩnh thường lên núi tìm và lấy củ của cây Sâm trên núi Báo mang bên người để khi mệt mỏi lấy ra dùng (ngậm và nhai), khi khát nước làm giải khát. Đến thời Nhà Hồ, dân các xứ Nga Sơn, Ngư Lộc (Hậu Lộc) di dân lên đồng Hóp, làng Lon (nay là thôn Việt Yên, xã Vĩnh Hùng) và người dân làng Biện Thượng (nay là làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng) làm công nhân xây dựng Thành Nhà Hồ đã dùng củ của cây Sâm lấy ở núi Báo, đem nấu lên làm nước uống trong lúc mệt mỏi và giải khát vào những ngày nắng nóng; sau khi uống vào họ thấy mình khỏe hơn và hết mệt mỏi. Khi vua Lê Quý Ly đích thân đi khảo sát việc xây thành, ông chứng kiến một nhóm thợ có sức khỏe dẻo dai, làm việc không biết mệt mỏi, ông tỏ ra nghi ngờ nên đích thân đến hỏi và được biết nhóm thợ này người làng Biện Thượng, họ có sức khỏe cường tráng là do dùng một thứ nước uống vừa giải khát vừa tăng cường thể lực và thứ nước uống họ mang theo được nấu từ củ cây Sâm trên núi Báo. Ông liền sai các ngự y trong triều xem xét kỹ loại nước uống này và công dụng của nó; sau nhiều ngày tìm hiểu, thấy rằng loại Sâm này thường được các thầy lang trong vùng dùng để chữa trị rất nhiều chứng bệnh như : kiết lỵ, ho kèm theo sốt, nóng trong người,... ngoài ra còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe, đặc biệt là người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược. Các ngự y đã dâng lên vua loại nước được nấu từ củ Sâm này, thứ nước được nấu lên có màu nâu nhạt, một mùi hương thơm nhè nhẹ tỏa ra, vua Hồ Quý Ly đã không ngần ngại mà uống ngay, một lúc sau ông thấy người vô cùng khoan khoái, dễ chịu, nhà vua vô cùng thích thú. Sau vài ngày sử dụng thứ nước này, vua Hồ Quý Ly thấy cơ thể vô cùng khỏe khoắn. Từ đó, loại Sâm được nhiều người biết đến và được dùng để dâng vua, tiến chúa. Sau khi Vương Triều họ Hồ diệt vong, cây Sâm này dần chìm vào quên lãng. Vào thời Trịnh Sâm, một trong những đời chúa cuối cùng của dòng họ Trịnh, cây Sâm quý ở núi Báo làng Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng mới được đặt tên chính thức là Sâm Báo (tức cây sâm Báo mọc ở núi Báo). Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, đời sống con người ngày càng được nâng lên, nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm bồi bổ cơ thể ngày càng cao, một số cụ ông cao tuổi trong địa phương và nhân dân làng Bồng Thượng đi tìm kiếm thu thập những cây Sâm Báo còn sót lại trong dân gian và vùng núi Báo, từ đó ươm mầm, nhân giống và chăm sóc. Cây Sâm Báo đã được khôi phục và diện tích gieo trồng ngày càng được mở rộng.


Từ những công dụng của Sâm Báo, với mong muốn giới thiệu với thực khách gần xa về sản phẩm đặc sản, đặc trưng của quê hương xã Vĩnh Hùng nói riêng và huyện Vĩnh Lộc nói chung, HTX nông nghiệp Tây Đô đã cho ra đời sản phẩm trà Sâm Báo Thảo Nga thơm ngon, bổ dưỡng. Do nhu cầu khách hàng sử dụng sản phẩm Trà Sâm Báo Thảo Nga ngày tăng cao, HTX chúng tôi đã liên kết với các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Vĩnh Hùng để mở rộng diện tích loại sâm này. Đến nay, diện tích trồng sâm của HTX đã gần 4ha.
Để có được sản phẩm Trà Sâm Báo Thảo Nga thơm ngon, bổ dưỡng, công thức chế biến đòi hỏi công phu, tỉ mỉ từ khâu chọn sản phẩm sâm tươi, kỹ thuật ngâm, tẩm ướp và sấy để giữ được mùi thơm đặc trưng của củ Sâm.
Từ những củ sâm tươi được lựa chọn kỹ càng, loại bỏ những củ bị sâu bệnh không đảm bảo chất lượng mới có thể cho ra những sản phẩm trà sâm mang đầy đủ hương vị. Sau khi đã lựa chọn được những củ sâm tươi như mong muốn mới đem rửa sạch, khi rửa tránh để vỏ sâm bị tróc vỏ, dập nát sẽ làm giảm chất lượng của sâm; để sâm ráo nước, dùng máy thái sâm thành những lát có độ dầy 2mm sau đó sấy khô vừa phải.
Sản phẩm sâm sau khi được sấy khô vừa phải đem ngâm với nước gạo nếp (nếp hạt cau) và nước gừng (gừng dùng để tẩm ướp sâm phải đảm bảo còn tươi ngon, rửa sạch rổi giã nhỏ chắt lấy nước cốt) trong khoảng 5- 10 phút sau đó vớt ra để ráo nước rồi tiếp tục đem vào lò sấy ở nhiệt độ vừa phải đến khi đến khi sâm có màu vàng đều, giòn là được sản phẩm Trà Sâm Báo.
Mùi gừng, gạo nếp hòa quện với  hương thơm của sâm Báo tạo nên một mùi thơm quyến rủ trong những tách trà sâm luôn níu lòng thực khách. Đặc biệt những tách trà sâm này sẽ ý nghĩa hơn sau những bữa cơm gia đình quây quần bên nhau hay sau những giờ phút căng thẳng, mệt mỏi.
Phát huy những giá trị vốn có của Sâm Báo, trà Sâm Báo Thảo Nga luôn phấn đấu nâng cao giá trị sản phẩm, cải tiến về mẫu mã với mong muốn hài lòng thực khách địa phương và du khách gần xa.
Niềm tin, sự hài lòng của quý khách là niềm vui và hạnh phúc của Hợp tác xã chúng tôi.